- Một triệu người dùng Facebook bị lộ mật khẩu
Meta – công ty mẹ của Facebook cho biết có khoảng một triệu người dùng bị rò rỉ dữ liệu đăng nhập do vấn đề an ninh với ứng dụng tải về. Hôm 7/10, công ty này thông báo đã nhận diện hơn 400 ứng dụng độc hại, chuyên đánh cắp dữ liệu đăng nhập của người dùng trên iOS và Android trong năm nay. Công ty đã thông báo cho Apple và Google về tình trạng này nhằm loại bỏ ứng dụng khỏi kho tải về.
Cụ thể, các ứng dụng độc hại giả dạng phần mềm chỉnh sửa ảnh, game mobile hoặc app theo dõi sức khỏe. Người dùng tải chúng về máy và được yêu cầu đăng nhập Facebook để sử dụng đầy đủ tính năng, khiến tên đăng nhập và mật khẩu của họ bị lộ. Nạn nhân cũng có thể tải ảnh đã chỉnh sửa lên trang Facebook của mình, vô tình cho phép những kẻ phát triển ứng dụng truy cập tài khoản của họ.
- Số màn hình khóa tối đa trên iOS 16
Một trong những tính năng được người dùng yêu thích trên iOS 16 là khả năng tùy biến màn hình khóa iPhone. Cập nhật này giúp người dùng tự do sáng tạo các bộ màn hình khóa bao gồm hình nền, font chữ và các cửa sổ widget tùy theo sở thích. Nhờ đó, chủ máy dễ dàng chuyển đổi giữa các kiểu khóa.
Theo 9to5mac, mặc dù có đa dạng các lựa chọn tùy biến, phiên bản iOS mới nhất lại hạn chế số lượng màn hình khóa của người dùng. Cụ thể, người dùng XiXMak trên Reddit đã chụp ảnh màn hình thông báo trên iPhone, cho thấy anh chỉ có thể thêm 200 kiểu màn hình khóa trên thiết bị của mình. Nếu vượt quá số lượng này, hệ thống sẽ buộc người dùng phải xóa bớt trước khi tạo thêm màn hình khóa mới. Trước đó, người dùng cũng phát hiện ra nhiều hạn chế khác trên màn hình khóa mới của iOS 16. Cụ thể, họ không thể chuyển đồng hồ hay cửa sổ widget của các ứng dụng đến các vị trí khác trên màn hình vì mọi thứ đều đã được cài mặc định.
Khi thêm tiện ích mới vào màn hình khóa, chúng sẽ tự động xếp sang bên phải hoặc chính giữa màn hình tùy thuộc vào kích thước icon. Do đó, tất cả biểu tượng đều được xếp kề nhau và người dùng không thể chỉnh sửa. Ngoài ra, người dùng cũng không thể thay đổi nút bật đèn pin hay truy cập nhanh camera trên màn hình khóa. Đồng thời, hầu hết widget này chỉ phục vụ làm phím tắt để người dùng truy cập ứng dụng chứ không có khả năng tương tác trực tiếp.
Còn với Live Activities, Apple cho biết các lập trình viên có thể tạo mới những thẻ màn hình khóa khác để cập nhật thông tin theo thời gian thực. Tính năng này rất hữu dụng khi người dùng cần xem thông tin chuyến xe hay các trận đấu thể thao. Tuy nhiên, hiện khả năng này vẫn chưa hỗ trợ các ứng dụng bên thứ 3. Bên cạnh đó, màn hình khóa mới của iOS 16 cũng khiến người dùng khó thay đổi hình nền hơn các phiên bản trước. Cụ thể, người dùng phải vào app Cài đặt mỗi khi muốn thay đổi hình nền cho màn hình chính. Nguyên nhân là nếu đặt hình nền từ ứng dụng Ảnh, bức ảnh sẽ tự động được cài cho màn hình khóa. Trong khi đó, trước đây, họ hoàn toàn có thể đổi hình nền trên màn hình chính và màn hình khóa từ ứng dụng Ảnh.
- Khai thác Bitcoin bẩn gấp chín lần đào vàng
Các nhà nghiên cứu chỉ ra số tiền thiệt hại về môi trường chiếm 35% giá trị Bitcoin trên thị trường, trong khi với khai thác vàng là 4%.
Theo phó giáo sư Benjamin A. Jones tại Khoa Kinh tế của Đại học New Mexico, đồng tác giả của nghiên cứu vừa đăng trên Scientific Reports: “Việc khai thác Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác tiêu tốn một lượng điện năng khổng lồ của nhân loại. Trong khi đó hầu hết nguồn điện có nguồn gốc từ nguyên liệu hóa thạch như than, khí đốt tự nhiên. Chúng gây ra hiệu ứng nhà kính nhiều hơn các nguồn năng lượng bền vững“.
Kết luận này tương đồng với báo cáo cuối tháng trước của Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF). Theo đó, trong những năm qua, nguồn điện để khai thác Bitcoin đã có nhiều thay đổi lớn. Năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên như than đá dần được sử dụng để vận hành các dàn máy đào Bitcoin, thay vì năng lượng xanh như thủy điện hoặc năng lượng mặt trời, gió hay thủy triều. Tính đến tháng 1, nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí đốt tự nhiên chiếm 2/3, hay 62% tổng điện năng khai thác Bitcoin. Từ 2020 đến 2021, tỷ lệ khí đốt trong vận hành các mỏ đào tăng từ 13% lên 23%. Năng lượng hạt nhân tăng từ 4% lên gần 9%.
“Chúng tôi thấy dấu chân của Bitcoin trong hành trình phá hoại khí hậu đậm hơn nhiều so với việc khai thác thịt bò và vàng“, ông Jones nói. Nhóm nghiên cứu đặt ra ba câu hỏi lớn về tác động của Bitcoin đến môi trường gồm: Liệu thiệt hại về khí hậu của việc vận hành máy đào có tăng lên không? Giá trị thị trường của Bitcoin có lớn hơn thiệt hại khí hậu mà nó gây ra? So với những ngành khai thác khác, Bitcoin “bẩn” gấp bao nhiêu lần? Sau khi nghiên cứu, nhóm của ông kết luận: Lượng phát thải năng lượng từ khai thác Bitcoin đã tăng từ 0,9 tấn khí thải carbon trên một BTC lên 113 tấn trong giai đoạn 2016-2021. Mỗi Bitcoin gây ra thiệt hại về khí hậu tương đương 11.314 USD, chiếm khoảng 35% giá thị trường của Bitcoin.
Trong khi đó, thiệt hại của ngành sản xuất thịt bò chiếm 33% giá trị thị trường, khai thác vàng chiếm 4%, khai thác khí đốt tự nhiên và xăng dầu thô lần lượt chiếm 46% và 41% giá trị thị trường của chúng. Bitcoin và một số tiền mã hóa khác đang sử dụng cơ chế PoW để duy trì hoạt động mạng blockchain. PoW yêu cầu thợ đào phải chạy những dàn card đồ họa hoặc máy đào chuyên dụng liên tục để giải các câu đố. Sau khi giải, họ được quyền tham gia xác thực các giao dịch trong mạng và nhận về phần thưởng. Các máy đào càng mạnh, khả năng giải càng nhanh và xác xuất nhận được phần thường càng cao. Đó là lý do thợ đào phải liên tục nâng cấp máy đào, khiến việc khai thác Bitcoin ngày càng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.
- Chrome là trình duyệt dễ bị tấn công nhất
Trình duyệt của Google có số lỗ hổng được phát hiện nhiều gấp đôi so với vị trí thứ hai là Mozilla Firefox. Theo thống kê bảo mật của VulDB, Chrome có tổng cộng 303 lỗ hổng được tìm thấy tính từ đầu năm. Trong đó, có 6 lỗi zero-day (chưa có bản vá) nghiêm trọng và một trong số chúng mới xuất hiện vào tháng 9. Google sau đó đã vá những lỗi này thông qua các bản cập nhật phần mềm.
Firefox xếp sau Chrome với số lỗ hổng bảo mật là 117, chưa bằng một nửa. Vị trí thứ ba thuộc về Microsoft Edge với 103 lỗ hổng. Đáng chú ý khi Safari chỉ có 26 lỗ hổng. Theo BGR, dễ hiểu khi các hacker nhắm đến Google Chrome bởi đây là trình duyệt phổ biến nhất thế giới. Trong khi đó, Safari gây ngạc nhiên vì rất ít lỗ hổng được tìm thấy nếu so sánh với mức độ phổ biến của trình duyệt này.
- Thủ tướng: ‘Việt Nam đạt tám kết quả tích cực về chuyển đổi số
Tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nhận thức và hành động về chuyển đổi số tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến.
Theo Thủ tướng, tám kết quả tích cực về chuyển đổi số bao gồm nhận thức và hành động có nhiều chuyển biến; việc xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo; hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển; cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy; dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng; an ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường; và tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
Chuyển đổi số cũng giúp thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc giảm thủ tục hành chính, giảm các phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý là những việc cần sự đóng góp của chuyển đổi số. Thủ tướng khẳng định, cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày.