1. Zalo bắt đầu thu phí người dùng
Kể từ ngày 1/8/2022, Zalo sẽ cập nhật lên phiên bản mới. Điểm đặc biệt của phiên bản này là việc đơn vị phát triển sẽ tiến hành hạn chế một số tính năng trên ứng dụng. Cùng lúc đó, Zalo cũng tung ra phiên bản trả phí (Zalo OA) với mức phí từ 10.000 đồng – 399.000 đồng/tháng. Do đó, đã xuất hiện không ít những đồn đoán về việc Zalo hạn chế tính năng là để thu phí người dùng. Theo khảo sát trong quý IV/2021 của Decision Lab, khi được hỏi về việc dùng ứng dụng nào để liên lạc với người thân, 48% số người được hỏi đều cho biết họ sử dụng Zalo. Trong khi đó, con số này của Facebook và Messenger lần lượt là 27% và 20%. Ở thời điểm hiện tại, Zalo hiện vẫn là một trong những ứng dụng được nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam để duy trì liên lạc. Báo cáo của Decision Lab còn nhận định, Zalo đang là nền tảng trong nước duy nhất có thể sánh vai và soán ngôi những gã khổng lồ quốc tế. Tuy vậy, kể từ khi rộ lên những thông tin về việc Zalo sẽ thu phí người dùng, những luồng quan điểm khác nhau cũng được đưa ra.
Theo anh Nguyễn Việt Cường ở Hà Nội, việc Zalo thu phí người dùng sẽ là một cơ hội cho các ứng dụng nhắn tin khác có cơ hội đi vào cuộc cạnh tranh công nghệ khốc liệt. Nam độc giả này cho biết sẽ chuyển qua xài ứng dụng khác nếu đơn vị phát triển kiên quyết thu phí người dùng Zalo. Có đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Thuận (TP.HCM) cho rằng, trên thị trường hiện có rất nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ nhắn tin tương tự như Zalo. Trong trường hợp Zalo hạn chế tính năng, sẽ có app khác ngay lập tức nổi lên bởi người dùng có rất nhiều lựa chọn để thay thế. Theo chị Lan, khác với các ứng dụng nhắn tin khác, Zalo khá phổ biến với nhóm người dùng trung tuổi. Họ là nhóm khách hàng có khả năng chi tiền, nhưng khó tiếp cận bằng những nền tảng hay ứng dụng khác như Messenger, Viber, Telegram,… “Với những ưu điểm đó, sau khi cân nhắc được mất, tôi vẫn sẽ sử dụng Zalo thay vì các app nhắn tin khác. Tuy vậy, Zalo cũng cần phải hiểu cho người kinh doanh online và có mức phí hợp lý. Nếu không, sẽ ngay lập tức có những ứng dụng khác nổi lên và chiếm lại thị phần từ tay công cụ nhắn tin này”, chị Lan chia sẻ. Liệu những đóng góp này sẽ được Zalo ghi nhận và kịp thời có những điều chỉnh hợp lý để hài lòng khách hàng chăng? Cùng chờ xem.
2. Elon Musk kiện ngược Twitter
Elon Musk nộp đơn lên tòa án để phản đối Twitter liên quan đến những bất đồng quan điểm trong thương vụ mua lại mạng xã hội. Theo Reuters, ngày 29/7, đơn kiện dài 164 trang đã được đội ngũ pháp lý của Musk gửi lên tòa án Delaware – nơi sẽ diễn ra phiên xử giữa ông với Twitter. Hiện chưa rõ nội dung đơn nhưng theo quy định của tòa án, một bản tóm tắt sẽ sớm được công bố rộng rãi. Động thái của Musk được thực hiện chỉ vài giờ sau khi bà Kathaleen McCormick, thẩm phán tòa án Delaware, ra lệnh phiên xử sẽ diễn ra trong năm ngày, bắt đầu từ 17/10. Phiên toà sẽ xác định liệu Musk có vi phạm hợp đồng thỏa thuận hay không và liệu ông có phải thực hiện thương vụ như thỏa thuận ban đầu. Ngày 25/4, Musk thông báo sẽ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, tương đương giá 54,20 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, kể từ sau thỏa thuận, việc kinh doanh của mạng xã hội dần xuống dốc, còn tỷ phú Mỹ cũng yêu cầu chấm dứt thương vụ đầu tháng này.
Về lý do Musk “hủy kèo”, ông cho rằng Twitter đã nói dối về số lượng tài khoản rác trên nền tảng, đồng thời từ chối cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu này. Twitter sau đó đâm đơn kiện, cáo buộc Musk hành động “thiếu thiện chí mỗi ngày” trong tiến trình đàm phán, đồng thời cho rằng sự không chắc chắn khiến họ thiệt hại ngày càng lớn. Vụ kiện ban đầu được mạng xã hội yêu cầu xét xử tháng 9, còn Musk muốn dời sang tháng 2 năm sau. Dù vậy, bà McCormick quyết định thời gian diễn ra sẽ vào tháng 10. Sau ngày 17/10, Musk dự kiến đối mặt với một phiên tòa khác kéo dài một tuần, cũng ở Delaware, bắt đầu từ ngày 24/10. Một cổ đông Tesla đã kiện Musk và hãng xe, cáo buộc công ty “lãng phí” và “làm giàu bất chính” từ gói lương 56 tỷ USD. Mới đây, Elon Musk cho rằng tài khoản Twitter của ông ít tương tác hơn, sau khi ông nộp hồ sơ phản đối vụ kiện của mạng xã hội.
3. Nỗi ám ảnh mang tên Apple và TikTok
Khi lý giải tình hình kinh doanh đi xuống trong quý II/2022, hàng loạt ông lớn công nghệ như Google, Meta, Snap… nhắc đến hai cái tên Apple và TikTok. Trong nhiều năm, các hãng công nghệ hàng đầu thường mặc định kết quả tăng trưởng hàng quý, nhưng gần đây không còn như vậy. Vấn đề này được thể hiện rõ nét nhất trong báo cáo tài chính quý vừa qua của nhóm Big Tech khi họ nhắc nhiều đến sự suy giảm, cùng dự báo tương lai không mấy khả quan. Trong mỗi báo cáo, Apple và TikTok liên tục được đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Với TikTok, lượng người dùng hàng tháng đã tăng lên một tỷ sau 5 năm, trong khi Facebook và Instagram phải mất 8 năm mới đạt được. Còn chính sách thay đổi dữ liệu của Apple cũng khiến các công ty khác phải điều chỉnh lại mô hình của mình cho phù hợp. “Sự xuất hiện của TikTok khiến các mạng xã hội nhận ra họ không còn là mạng xã hội, mà chỉ là phương tiện truyền thông. Giờ đây, Facebook, Instagram hay YouTube đang chơi trò đuổi bắt. Còn người dùng không chỉ có một mà tới ba ứng dụng cung cấp trải nghiệm video ngắn từ các công ty lớn”, Jay Owens, một chuyên gia độc lập trong lĩnh vực kỹ thuật số, nhận xét. Khi Google, Meta hay TikTok chạy đua trở thành bản sao của nhau, họ cũng phải đối mặt với một vấn đề lớn khác: Apple.
Báo cáo của cả Snap, Twitter lẫn Meta đều nêu bật một vấn đề tồn tại đối với quảng cáo trực tuyến và theo dõi người dùng. Đó là tính năng App Tracking Transparency (ATT) mà Apple triển khai từ bản iOS 14.5, cho phép người dùng từ chối bị các ứng dụng theo dõi để hiển thị quảng cáo mục tiêu. ATT khiến các công ty chuyên thu thập dữ liệu người dùng để đề xuất quảng cáo như Facebook, Twitter bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mark Zuckerberg, CEO của Meta, từng thừa nhận công ty có thể mất 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong năm nay vì ATT. Giám đốc tài chính Dave Wehner của Meta và Giám đốc kinh doanh Philipp Schindler của Alphabet cũng khẳng định ATT khiến ngành quảng cáo kỹ thuật số gặp thách thức lớn về tăng trưởng. “Xu hướng người dùng chuyển sang TikTok cùng những thay đổi của Apple với ATT khiến các công ty như Meta, Twitter gặp khó khăn hơn trong việc kiếm tiền. Họ buộc phải thiết kế lại sản phẩm của mình, nhưng không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều”, Andrew Rosen, người sáng lập và CEO công ty phân tích truyền thông Parqor, nhận định. Trong khi đó, Apple vẫn ăn nên làm ra, mặc cho những đối thủ khác gặp khó. Trong báo cáo tài chính ngày 28/7, hãng thông báo đạt doanh thu kỷ lục 83 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm sáng nhất là mảng smartphone đạt 40,7 tỷ USD, tăng gần 3%. “Khi nghĩ về những thách thức phải đối mặt trong quý vừa qua, chúng tôi cảm thấy thực sự hài lòng về mức tăng trưởng đạt được”, CEO Apple Tim Cook nói. “Kết quả kỷ lục của quý này nói lên những nỗ lực không ngừng của Apple trong việc đổi mới, nâng cao nhận thức và làm phong phú thêm cuộc sống của khách hàng”.
4. iPhone 14 PRO có tính năng vượt trội, hứa hẹn bùng nổ thị trường Smart Phone
Cụ thể, ngoài công nghệ tần số quét cao, iPhone 14 Pro và Pro Max có thể hỗ trợ Always on Display, tính năng hiển thị thông tin ngoài màn hình khóa. Màn hình LTPO đã được sử dụng trên chiếc Apple Watch Series 7. Công nghệ này hỗ trợ chế độ Always on Display nhưng vẫn giữ nguyên thời gian sử dụng pin lên đến 18 giờ như các mẫu Apple Watch trước đó. Vì vậy, nếu sở hữu tấm màn LTPO, iPhone 14 có thể hiển thị giờ, ngày tháng và thông báo mà không cần mở khóa. Độ phân giải camera sau của bộ đôi iPhone 14 Pro còn được nâng cấp từ 12 MP lên 48 MP với phần thân máy dày hơn để cụm camera không bị lồi.
Về cấu hình, iPhone 14 và 14 Max nhiều khả năng vẫn dùng chip xử lý A15 Bionic giống iPhone 13. Trong khi đó, chip A16 sẽ dành cho bộ đôi Pro. Theo Bloomberg, Apple cũng được cho là đang thử nghiệm iPhone với cổng USB-C thay vì Lightning. Việc chuyển đổi này sẽ giúp người dùng đồng bộ dây cáp của smartphone Android, tablet hay MacBook để sạc và kết nối iPhone với máy tính. Theo thông lệ hàng năm, iPhone mới sẽ được ra mắt vào tháng 9. Tuy nhiên, chính sách phong tỏa trong nhiều tháng qua tại Trung Quốc đã làm tiến độ phát triển dòng iPhone 14 chậm nhiều tuần so với dự kiến. Trong trường hợp xấu nhất, lịch trình sản xuất, sản lượng các lô hàng đầu tiên của iPhone 14 có thể bị ảnh hưởng.
Nguồn: Internet