1. iPhone 15 Ultra sẽ tăng giá 200USD
Theo LeaksApplePro, người từng đưa ra thông tin chính xác về các thiết bị chưa ra mắt của Apple, smartphone cao cấp nhất năm 2023 sẽ được đổi thành iPhone 15 Ultra thay vì có tên iPhone 15 Pro Max. Thông thường, Apple giữ nguyên giá khởi điểm của các phiên bản iPhone qua các năm, hoặc chỉ tăng 100 USD. Tuy nhiên lần này, 15 Ultra sẽ được tăng tới 200 USD.
Cụ thể, iPhone 15 Ultra sẽ có giá khởi điểm 1.299 USD, cao hơn mức 1.099 USD của iPhone 14 Pro Max bản 128 GB. Trong khi đó, bản dung lượng 1 TB sẽ là 1.799 USD. Tuy nhiên, dung lượng bộ nhớ trong của iPhone mới được cho là sẽ từ 256 GB, thay vì 128 GB như hiện nay.

Ngoài ra, một số nguồn tin khác khẳng định iPhone 15 Ultra sẽ có camera selfie kép, cổng USB-C với chuẩn Thunderbolt 4 truyền dữ liệu 40 Gb/giây thay vì cổng Lightning tốc độ tương đương USB 2.0 480 Mb/giây như hiện tại. Vỏ máy làm bằng chất liệu titan. Hiện giá vật liệu titan hiện ở mức 35-50 USD/kg, cao hơn so với 1-1,5 USD/kg của thép không gỉ. Do đó, titan chỉ được áp dụng cho bản Ultra mới nhất, trong khi các model còn lại vẫn dùng chất liệu thép.
2. 45.000 NFT của Donald Trump cháy hàng
gày 15/12, trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump thông báo phát hành bộ sưu tập 45.000 NFT, gồm các ảnh chế theo phong cách giả tưởng được đúc trên mạng Polygon. Mỗi NFT được niêm yết với giá 99 USD, người dùng có thể mua bằng Ethereum hoặc tiền pháp định. Độ hiếm của mỗi thẻ dựa vào số bản sao được xếp hạng 1-10.
Nếu mua 45 NFT (4.455 USD) cùng lúc, người dùng sẽ được tặng thêm vé tham gia một buổi dạ tiệc cùng Trump. Trong khi đó, mỗi người sở hữu NFT trong bộ sưu tập đều có cơ hội “rút thăm trúng thưởng” để nhận các ưu đãi như: tham gia một cuộc gọi online qua Zoom; ăn tối ở Miami hoặc có một cuộc hẹn uống cocktail dài một tiếng tại Mar-a-Lago với cựu tổng thống.

Ban đầu dự án vấp phải nhiều phản đối trên mạng xã hội. Một số thậm chí gọi đây là kế hoạch lừa đảo. Tuy nhiên, dữ liệu từ OpenSea cho thấy toàn bộ 45.000 NFT của ông Trump đã cháy hàng sau một ngày. Tính đến 0h ngày 18/12, khối lượng giao dịch của bộ sưu tập đã cán mốc 3.000 ETH (hơn 3,5 triệu USD). Giá sàn của mỗi NFT khoảng 0,34 ETH (hơn 400 USD), cao gấp bốn lần giá khi mới lên sàn. Số NFT độc bản thuộc dạng hiếm nhất chiếm 2,4% tổng số lượng bộ sưu tập. Tác phẩm đắt nhất mang số hiệu #12777 đang được chào bán với giá 45 ETH (hơn 53 nghìn USD). Tác phẩm là hình ông Trump đứng trước núi Rushmore với tượng điêu khắc các đời Tổng thống Mỹ sau lưng.
NFT (non-fungible token) là chứng nhận tài sản số dựa trên blockchain, được đánh giá minh bạch về tính chính danh và quyền sở hữu.
3. Năm sai lầm dễ mắc khi sạc smartphone
Dùng cạn pin, sạc đầy pin
Tuổi thọ pin li-ion được tính bằng số chu kỳ sạc, tức khi sạc 50% cho viên pin dung lượng 5.000 mAh thì viên pin đó mới đạt 1/2 chu kỳ, thêm 50% nữa mới hoàn thành một chu kỳ. Như vậy, người dùng có thể sạc pin bất cứ khi nào cần, thay vì chờ máy gần hết pin và nạp đầy 100%. Thậm chí, nếu để pin xuống gần mức 0%, một số cell pin có thể mất khả năng hoạt động. Người dùng nên duy trì pin trong khoảng từ 20% đến 90%. Kết thúc một lần sạc ở mức 80-90% sẽ tốt cho pin hơn là 100%.
Dùng bộ sạc trôi nổi
Việc này ảnh hưởng đến độ bền smartphone hoặc nghiêm trọng hơn là nguy cơ cháy nổ.

Không cẩn thận với sạc dự phòng
Tương tự các bộ sạc rẻ tiền, sạc dự phòng trôi nổi cũng có thể khiến pin nhanh hỏng hơn, cũng như tiềm ẩn khả năng gây cháy nổ.
Vừa sạc vừa dùng
Quá trình này diễn ra liên tục khiến thiết bị nóng lên nhanh chóng, có thể gây ra hiện tượng cháy nổ. Ngoài ra, việc vừa sạc vừa dùng có thể đẩy nhanh việc “chai” pin, do quá trình này sẽ khiến một số cell pin bên trong bị “chết”.
Dùng ở nơi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp
Nhiệt độ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ pin. Nguồn nhiệt cao khiến pin sụt nhanh, có thể gây tai nạn cháy nổ. Ngược lại, nhiệt độ quá thấp cũng không phải là môi trường lý tưởng cho smartphone hoạt động.
4. 5 loại mã độc hoành hành tại Việt Nam 2022
Đứng đầu trong danh sách là Macro, lây lan trên hơn 1,5 triệu máy tính. Đây là loại mã độc “mở đường”, thường được phát tán thông qua file tài liệu. Sau khi xâm nhập vào máy, nó tiến hành thu thập thông tin trong thiết bị, cài cắm các mã độc khác tùy theo mục đích khác nhau của kẻ tấn công, đồng thời lây lan sang những file tài liệu khác để phát tán mạnh hơn.
Đứng thứ hai là mã độc đánh cắp file dữ liệu FileStealer, xâm nhập 750.000 máy tính. Các chương trình này giả mạo icon các phần mềm như PDF, Office, khiến người dùng lầm tưởng là file tài liệu và mở chúng lên. Khi được kích hoạt, mã độc tìm kiếm toàn bộ file định dạng .doc, docx, xls, xlsx, pdf… trong thiết bị và gửi về máy chủ của hacker.

Mã độc đánh cắp mật khẩu và tài khoản PasswordStealer có mức độ ảnh hưởng nhỏ hơn với hơn nửa triệu máy tính, nhưng lại nguy hiểm khi xuyên thủng cơ chế bảo mật hai lớp hiện nay. Hacker dùng cookies đánh cắp được để đăng nhập tài khoản và thực hiện hàng loạt thao tác như đổi số điện thoại, email khôi phục, đặt mật khẩu mới, đăng xuất ra khỏi các thiết bị khác nhằm chiếm tài khoản.
Hai loại phổ biến còn lại mà mã độc APT và mã độc tống tiền Ransomware, lần lượt nhiễm trên 180 nghìn và 14 nghìn máy tính tại Việt Nam. Con đường phát tán chính của APT là thông qua email và được kích hoạt ngay khi người dùng mở file, từ đó âm thầm hoạt động trên máy tính nạn nhân, như điều khiển từ xa, đánh cắp dữ liệu, leo thang đặc quyền, len sâu hơn vào hệ thống của cơ quan, tổ chức… Trong khi đó, ransomware chuyển hướng tấn công sang máy chủ, đặc biệt là máy chủ chứa dữ liệu kế toán.
5. Nhân viên lo Mark Zuckerberg ‘giết chết công ty’
“Metaverse là cái chết từ từ của chúng tôi”, một người tự nhận là nhà phát triển phần mềm cấp cao của Meta viết trên Blind ngày 9/12. “Mark Zuckerberg sẽ tự tay giết chết công ty bằng metaverse”.
Blind là nền tảng cho phép người tham gia có thể nhận xét ẩn danh về công ty họ đang làm. Người đăng ký tài khoản cần cung cấp địa chỉ email công việc, chức danh, vị trí… để nền tảng có thể đánh giá trạng thái nghề nghiệp trước khi được chấp nhận hoạt động. Mạng xã hội này cũng thường xuyên gửi yêu cầu xác thực sau một thời gian nhất định nhằm xác định một người còn làm việc tại công ty đó hay không.
Các đánh giá tiêu cực xuất hiện nhiều kể từ đầu năm, nhưng tăng cao sau khi Meta sa thải 11.000 nhân viên hồi đầu tháng 11. Hầu hết cho rằng công ty đang đi sai hướng khi theo đuổi metaverse, đồng thời yêu cầu người đứng đầu nên từ chức.

“Zuckerberg đang dẫn công ty đi sai đường”, một chuyên gia về dữ liệu tại Meta nhận xét ngày 1/12. “Meta cần sa thải ở cấp điều hành thay vì nhân viên. Lãnh đạo đang lạc lối. Họ nhầm việc thay đổi này là tiến bộ”.
Đồng tình với quan điểm trên, một người phụ trách nhóm quảng cáo cho rằng “sự lãnh đạo kém cỏi đang làm chìm con tàu Meta”. Công ty có những giám đốc “chỉ làm nhiệm vụ vắt sữa” thay vì tạo ra giá trị. Một người khác nói việc sa thải là hành động tồi tệ nhất lịch sử và sẽ không khuyên bất cứ ai đến Meta làm việc cho đến khi mọi thứ ổn định hơn.
Ngoài cắt giảm nhân sự, Meta cũng thắt chặt chi tiêu. Nhiều nhân viên công ty không còn bàn làm việc riêng, phải chia sẻ chỗ ngồi vì công ty thu hẹp diện tích văn phòng. Meta cũng không còn nằm trong danh sách 20 công ty có vốn hóa lớn nhất, trong khi năm ngoái, họ là một trong năm công ty trị giá hơn 1.000 tỷ USD tại Mỹ cùng với Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon.