1. Facebook gặp sự cố lạ, hàng triệu lượt theo dõi biến mất
Hiện tại, không trang cá nhân nào trên Facebook hiển thị số người theo dõi vượt quá 10.000. Sáng 12/10, nhiều người dùng bất ngờ vì tài khoản Facebook của mình bị giảm lượng lớn lượt theo dõi. Không phải cá biệt, vấn đề này xuất hiện với mọi tài khoản cá nhân trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Cụ thể, toàn bộ trang Facebook cá nhân trước đó có hơn 10.000 người theo dõi đều sẽ được nền tảng hiển thị ở mức hơn 8.000-9.000 lượt. Đơn cử, streamer Độ Phùng (Độ Mixi) vốn có hơn 2,5 triệu lượt follow trên nền tảng. Tuy nhiên, con số hiện giảm còn 9.919 người.
Vấn đề này còn xuất hiện với những trang cá nhân đặc biệt. Mark Zuckerberg, ông chủ Meta (công ty chủ quản của Facebook) có tài khoản mà người dùng không thể chặn. Vốn trang này có gần 120 triệu người theo dõi. Tuy nhiên, con số hiển thị lúc này cũng dưới 10.000 lượt.
2. Bàn phím cơ không dây mỏng nhất thế giới
Corsair K100 Air Wireless ra mắt đầu tháng 10 và mới được đưa về Việt Nam. Sản phẩm có thiết kế full-size 108 phím thay vì dạng Tenkeyless (TKL) vốn phổ biến hơn trên các loại bàn phím cơ. Với thiết kế mỏng nhẹ, sản phẩm có thể dễ bị nhầm là một bàn phím chiclet thông thường cho máy tính văn phòng.
Với thiết kế dạng chiếc nêm, điểm mỏng nhất của sản phẩm chỉ 11 mm và dày nhất 17 mm. Trong khi đó, mẫu Keychron K3 Led RGB mỏng nhất trước đó là 17 mm và 22 mm tương ứng.
K100 Air Wireless được xem là một trong những bàn phím cơ hỗ trợ đa dạng thiết bị nhất hiện nay với PC, máy Mac, thiết bị di động, máy game Xbox và Playstation thông qua ba tùy chọn là Bluetooth, Slipstream và kết nối có dây. Riêng với công nghệ Slipstream 2.4 GHz của Corsair, tốc độ kết nối không dây của bàn phím đến 2.000 Hz, gấp đôi so với hầu hết các bàn phím chơi game có dây và tương thích với cả PlayStation 5 và Xbox. Còn với có dây, tốc độ kết nối có thể được đẩy lên 8.000 Hz, tương tự K70 Pro Mini Wireless trước đây.
3. Iphone 14 Pro Max chính hãng bị bán chênh giá lên đến 4 triệu đồng
Một số cửa hàng rao giá iPhone 14 Pro hoặc 14 Pro Max mã VN/A cao hơn giá chính hãng từ một đến bốn triệu đồng. Phải mua giá cao, nhưng nhiều người cho biết máy đã bị kích hoạt. Tất cả đều là máy mã VN/A dành riêng cho thị trường Việt Nam, đầy đủ tem nhập khẩu, in tiếng Việt.
Khảo sát tại các hệ thống lớn hôm nay, đa số đều hết hàng toàn bộ các phiên bản iPhone 14 Pro Max và iPhone 14 Pro trừ phiên bản dung lượng một TB. Chỉ iPhone 14 và iPhone 14 Plus có sẵn hàng, thậm chí đủ màu cho người dùng lựa chọn. “Bây giờ khách đặt cọc hai bản cao cấp, phải tới cuối tháng hoặc đầu tháng sau hệ thống mới có máy để trả”, đại diện một hệ thống bán lẻ nói.
Chủ một cửa hàng bán thiết bị Apple ở TP HCM tiết lộ đầu mối sỉ thậm chí đã chuyển máy tới cửa hàng của anh từ trưa ngày 13/10. Trong khi đó, tới 0h ngày 14/10, các hệ thống mới bắt đầu giao máy cho khách đặt trước. “Họ dặn không được kích hoạt trước để tránh bị phạt”, người này nói. Đa số các cửa hàng nhỏ lẻ đều “bung hàng” từ trưa nay, sau khi các hệ thống lớn trả hàng xong cho người đặt trước.
Năm nay, các hệ thống đều khẳng định sẽ làm chặt việc đề nghị người mua bóc seal và kích hoạt iPhone 14 ngay tại cửa hàng. Một trong hai lý do lớn nhất là để ngăn tình trạng đầu cơ, đẩy giá trên thị trường chợ đen. Tuy nhiên, quy định này chưa thể khiến nhiều người gom máy iPhone 14 Pro hay Pro Max để bán lại giá cao hơn. Các hệ thống lớn như Thế giới di động, FPT Shop, CellPhoneS, Viettel Store, Hoàng Hà Mobile hay Shopdunk đều cho biết đã giao khoảng 10.000 máy trong ngày đầu mở bán. Đa số là phiên bản iPhone 14 Pro và 14 Pro Max.
4. “Trâu cày” giá rẻ Trung Quốc tràn về Việt Nam
Các lô card đồ họa cũ từ Trung Quốc đang được đưa về Việt Nam, núp bóng xưởng đào tiền số thanh lý giá rẻ để tuồn ra thị trường. Tranh thủ lúc giá card đồ họa lao dốc, Thanh Hòa ở Bình Định tìm mua một lô RX 580 Sapphire Nitro Special Edition 8 GB cũ với giá một triệu đồng mỗi chiếc. Hòa cho biết anh mua card về hút chân không, đóng thùng chờ mùa sau lắp trâu đào tiền số. Tuy nhiên khi tháo thiết bị ra vệ sinh, anh phát hiện hầu hết số card trong lô 50 chiếc đã bị khò hàn, đóng lại GPU, sửa chữa cẩu thả.
Hòa liên hệ với người bán để đổi mã khác hoặc chấp nhận thu mua lại với giá rẻ hơn, nhưng người này nói cửa hàng chỉ còn mã Asus ROG Strix Radeon Rx 570. Tuy nhiên, đây cũng là hàng nhập về từ Trung Quốc, không cho đổi trả. Sau khi chia sẻ thông tin lên các hội nhóm khai thác tiền số để cảnh báo, Hòa phát hiện nhiều người cũng mua phải lô hàng tương tự. Trên thị trường, một chiếc RX 580 Sapphire Nitro Special Edition 8 GB mới có giá 2,8 triệu đồng. Hàng Trung Quốc được gia công lại rẻ bằng 1/3, nhưng nếu tính về hiệu quả sử dụng lại đắt hơn nhiều so với giá thanh lý của thợ đào trong nước.
5. Việt Nam trở thành điểm nóng giao dịch tiền số
Trong vòng một năm, người Việt giao dịch hơn 100 tỷ USD tiền điện tử, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Nikkei Asia dẫn báo cáo của Blockchain Chainalysis cho thấy từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, thị trường Việt Nam ghi nhận 112,6 tỷ USD giá trị tiền điện tử được giao dịch, đứng thứ hai bảng xếp hạng. Trong khi đó, xếp số một là Thái Lan với 135,9 tỷ USD, còn Singapore đứng thứ ba với 100,3 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, Thái Lan và Việt Nam đang trở thành trung tâm giao dịch tiền số hàng đầu khu vực, đánh bại cả trung tâm tài chính Singapore. Nguyên nhân là quốc đảo sư tử đang vận lộn với luật mới để kiểm soát lĩnh vực còn non trẻ này.
Dữ liệu cho thấy người dùng ở Việt Nam và Thái Lan cũng đặc biệt quan tâm đến tài sản NFT, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật. Dựa trên danh sách phân nhóm của Ngân hàng thế giới, Chainalysis chỉ ra rằng người dân ở những quốc gia có thu nhập trung bình thấp lại chấp nhận tiền điện tử cao hơn. Người dùng cũng có xu hướng lựa chọn Bitcoin và stablecoin (đồng tiền số ổn định giá) hơn các quốc gia khác.
Trước đó, báo cáo về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) 2022 của Chainalysis cũng cho thấy Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng với điểm tuyệt đối. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đứng đầu danh sách. Theo Chainalysis, những con số trên cho thấy mối quan tâm lớn của thị trường Việt trong lĩnh vực tiền điện tử và sự chấp nhận cao của người dân về các công cụ tiền số phi tập trung, DeFi, P2P. Bảng xếp hạng dựa trên các chỉ số liên quan đến khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung, khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P),