1. Lỗi iOS 16 khiến một số iPhone 14 không nhận sim
Lỗi “sim không được hỗ trợ” được cho là sẽ ảnh hưởng đến loạt iPhone 14, nhưng chưa có bản cập nhật khắc phục.
Cụ thể, một số người dùng iPhone 14, 14 Plus, 14 Pro, 14 Pro Max sẽ nhận được thông báo “sim không được hỗ trợ” trên máy, sau đó thiết bị có thể rơi vào tình trạng “đóng băng” hoàn toàn và không thể sử dụng.
Bản ghi nhớ xác nhận đây không phải lỗi phần cứng, mà do iOS 16. Khi gặp thông báo nêu trên, người dùng được khuyên chờ thêm vài phút để xem báo lỗi có biến mất hay không. Apple cũng nhấn mạnh người dùng không nên cố khôi phục cài đặt thiết bị, và nên đến Apple Store hoặc các trung tâm dịch vụ uỷ quyền để được hỗ trợ.
iOS 16 được phát hành giữa tháng 9 với một số cập nhật về giao diện màn hình khóa, tính năng sửa và thu hồi tin nhắn iMessage, công cụ Live Text cải tiến… Không lâu sau khi phát hành, hệ điều hành mới bị phàn nàn về một số trục trặc như không thể cập nhật, đơ máy, lỗi kết nối.
Tại Việt Nam, nhiều người dùng iOS 16 phản ánh lỗi không thể gõ tiếng Việt ở đầu câu. Sau nhiều bản cập nhật nhỏ, vấn đề này vẫn chưa được khắc phục.
2. TikTok – thế lực mới trên Internet
TikTok đang thay đổi hành vi của người dùng Internet, cạnh tranh khách hàng với các công ty truyền thống và buộc các mạng xã hội chạy theo mình.
Các thống kê từ Cloudflare, Data.ai và Sensor Tower đều cho thấy năm ngoái, website của TikTok được truy cập nhiều hơn Google. Không ứng dụng nào phát triển nhanh hơn mạng xã hội video ngắn này trong việc đạt một tỷ người dùng với hơn 100 triệu người từ Mỹ. Trung bình mỗi người Mỹ xem TikTok 80 phút một ngày, dài hơn so với trên Facebook và Instagram.
Tầm ảnh hưởng của TikTok vượt xa lĩnh vực giải trí và tác động đến cả những ngành truyền thống như xuất bản. Trong năm 2021, hashtag BookTok đã có 78 tỷ lượt xem, góp phần giúp ngành xuất bản đạt doanh số kỷ lục. Ngay cả những mạng xã hội trụ cột của Mỹ cũng không thể chống lại TikTok.
TikTok thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của các ông chủ Nhà Trắng. Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Donald Trump có ý định cấm cửa TikTok nhưng bất thành.
TikTok cũng đang tìm cách lấn sân sang các lĩnh vực khác như thương mại điện tử, game, thực tế ảo… Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận nền tảng này đã trở thành một thế lực đang định hình thế giới của riêng mình.
3. Kỳ lân công nghệ ‘đóng băng’ sau tăng trưởng nóng
Nhanh chóng bị lu mờ
Ví dụ điển hình về sự phát triển thần tốc là Clubhouse, nền tảng mạng xã hội âm thanh trở thành hiện tượng năm ngoái khi Covid-19 bùng phát khiến nhiều người phải hạn chế đi lại. Các lượt tải ứng dụng và số lượng nhà đầu tư tăng vọt. Ứng dụng mới ra mắt năm 2020 nhưng đã hoàn thành vòng gọi vốn Series B vào tháng 4/2021 với mức định giá bốn tỷ USD.
Tuy nhiên, hoạt động của dự án đi xuống kể từ đó. Clubhouse vẫn duy trì nhưng không còn thu hút được nhiều sự chú ý nữa.
Thị trường không ủng hộ
Chẳng hạn, chỉ vài tháng sau khi ra mắt, giá trị của Bird – công ty cho thuê xe điện scooter – đã tăng vọt và trở thành kỳ lân vào mùa thu 2017. Những năm sau đó, xe scooter mang thương hiệu của công ty xuất hiện khắp các thành phố lớn ở Mỹ.
Tháng 5/2021, Bird công bố việc sáp nhập SPAC với mức định giá ban đầu dự kiến 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị của Bird giảm mạnh ngay sau khi hoàn thành thương vụ vào tháng 11 năm ngoái. Hiện giá trị của công ty đã sụt giảm khi mỗi cổ phiếu chỉ còn 36 cent.
Nhanh nhưng thiếu bền vững
Năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp khi nhiều startup vươn mình thành kỳ lân chỉ trong vài tháng hoặc trong vài quý. Còn hiện nay, tình hình phát triển không mấy khả quan khi những công ty thành lập dựa trên nhu cầu và xu hướng thị trường trong đại dịch đang có dấu hiệu suy thoái. Hopin, nền tảng quản lý các sự kiện ảo ra đời năm 2019, từng thu về một tỷ USD năm 2020 và 2021. Nền tảng này thậm chí được định giá cao nhất 7,75 tỷ USD.
Một năm sau, Hopin cũng không tránh khỏi xu thế chung khi phải thông báo cắt giảm hoạt động. Công ty có trụ sở ở London đã sa thải 29% nhân viên vào tháng 7.
4. Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD khi cấm bán dẫn Trung Quốc
Mỹ được xem là đang quyết bóp nghẹt mảng bán dẫn Trung Quốc. Chính quyền Mỹ hôm 7/10 công bố loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, ngăn Trung Quốc mua nhiều loại chip bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên khắp thế giới. Động thái này dựa trên Quy định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài (FDPR). Quy định này được ban hành năm 1959 và bổ sung năm 2020 nhằm cho phép Mỹ kiểm soát những loại chip sản xuất ở nước ngoài, ngăn chúng đến tay Huawei và chặn dòng chảy thiết bị bán dẫn đến Nga.
Theo điều khoản mới, các công ty ở mọi nơi trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm có công nghệ Mỹ. Họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt. Phần lớn quy định có hiệu lực ngay lập tức.
Lệnh cấm khiến những doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc gặp khó. Trước Lam Research, Applied Materials – nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất của Mỹ – cũng thừa nhận việc hạn chế xuất khẩu sẽ khiến doanh thu của hãng bị mất từ 250 triệu đến 550 triệu USD trong quý vừa qua.
Hướng đi của Trung Quốc
Trung Quốc hiện đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ nhiều hơn khi dành hàng chục tỷ USD cho lĩnh vực bán dẫn. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu CVInfo, trong giai đoạn 2020-2021, nước này đã đổ hơn 30 tỷ USD để nghiên cứu và sản xuất bán dẫn.
Theo SCMP, chính quyền địa phương tại Trung Quốc cũng ưu ái hơn đối với các doanh nghiệp bán dẫn trong nước, bằng cách tăng gấp đôi ưu đãi tiền mặt và hỗ trợ chính sách thông thoáng. Trong số đó, Thâm Quyến và Thượng Hải đi đầu về thu hút doanh nghiệp, nhà máy lẫn nhân tài mảng chip.
5. Trăm nghìn máy đào Bitcoin đang ‘đắp chiếu’
Giá điện cao, độ khó của việc đào Bitcoin tăng vọt trong khi giá tiền số giảm khiến hàng trăm nghìn máy đào vẫn nằm yên trong kho.
Năm ngoái, thợ đào phải tranh giành để mua được máy đào tiền số, các nhà sản xuất không giao kịp đơn hàng. Còn giờ đây, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Matt Schultz, Chủ tịch công ty khai thác Bitcoin CleanSpark (CLSK), cho biết công ty vẫn còn 250.000-500.000 máy đào chưa bóc hộp. Trong khi đó Ethan Vera, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ Luxor Technologies, tiết lộ họ còn 276.000 máy đào tồn kho, tính đến tháng 9.
Việc giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng leo thang đã khiến các bên cung cấp dịch vụ không còn lợi nhuận nhiều. Một số tìm cách tăng giá, số khác thậm chí phá sản vì không đủ tài chính trang trải các chi phí. Thợ đào cũng khó tìm được một nơi giá rẻ để gửi trâu cày.